Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Dịch: AMV Marketing
Trong “Hướng dẫn điều trị”, cập nhật thứ 9,WHO khuyến cáo không sử dụng casirivimab-imdevimab cho các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron.
WHO đã cập nhật hướng dẫn về phương pháp điều trị COVID-19 để đưa vào khuyến nghị có điều kiện về molnupiravir, một loại thuốc kháng virus mới.
Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được đưa vào hướng dẫn điều trị COVID-19. Vì đây là một loại thuốc mới nên có rất ít nghiên cứu về độ an toàn. WHO khuyến nghị giám sát tích cực về tính an toàn của thuốc, kết hợp với các phương pháp khác để giảm thiểu các tác dụng phụ và nguy cơ tiềm ẩn.
Vì những quan ngại và thiếu thốn trong dữ liệu nghiên cứu, molnupiravir chỉ nên được cung cấp cho những bệnh nhân COVID-19 không chuyển nặng nhưng có nguy cơ nhập viện cao. Đây thường là những người chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19, người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và những người có bệnh nền mãn tính.
Không dùng thuốc cho trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú. Những người dùng molnupiravir nên có kế hoạch tránh thai; các hệ thống y tế phải đảm bảo khả năng thử thai và cung cấp biện pháp tránh thai tại chỗ.
Dùng thuốc dưới sự giám sát của nhân viên y tế, liều dùng: đường uống, ngày 2 lần, mỗi lần 4 viên (tổng 800mg/1 lần), sử dụng liên tục trong 5 ngày từ khi khởi phát triệu chứng. Dùng càng sớm càng tốt sau khi phơi nhiễm vì thuốc có thể giảm khả năng nhập viện.
Khuyến nghị được đưa ra lần này dựa trên kết quả ngẫu nhiên của 6 thử nghiệm có kiểm soát trên tổng số 4796 bệnh nhân. Đây là nghiên cứu có bộ mẫu lớn nhất về loại thuốc này đến nay.
Cùng với khuyến nghị về molnupiravir, tại bản cập nhật thứ chín hướng dẫn của WHO về phương pháp điều trị COVID-19 cũng đưa ra cập nhật về casirivimab-imdevimab, một loại cocktail kháng thể đơn dòng. Các bằng chứng thu được cho thấy sự kết hợp thuốc này không hiệu quả đối với biến thể Omicron, WHO khuyến cáo loại cocktail kháng thể này chỉ được sử dụng khi nhiễm một biến thể khác.
Molnupiravir chưa được phân phối rộng rãi, tuy nhiên đã có những bước đầu để mở rộng khả năng tiếp cận đến loại thuốc này cho người bệnh, bao gồm việc kí các điều khoản tự nguyện sử dụng. Chương trình Tiếp cận Công cụ tăng cường phòng chống COVID-19 (ACT-A) đang là nguồn cung thuốc này đến các quốc gia còn nhiều hạn chế, số lượng cung ứng còn rất giới hạn.
WHO cũng khuyến khích những nhà sản xuất thuốc gửi thành phẩm đến để đánh giá, hiện nay đã có một số lượng tương đối những nhà sản xuất molnupiravir tham gia các khâu kiểm định. WHO tiến hành đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả thuốc thành phẩm phục vụ Liên Hợp quốc và các nhà cung cấp lớn khác cho các nước có thu nhập từ thấp đến trung bình. Càng có nhiều nhà sản xuất đạt chuẩn chất lượng của WHO đồng nghĩa với việc các quốc gia càng có nhiều lựa chọn sản phẩm với giá cả cạnh tranh hơn.
Xem bài viết gốc tại đây: WHO updates its treatment guidelines to include molnupiravir